Từ 1/1/2022, Thành phố Hồ Chí Minh đã điều chỉnh giá nước sạch đối với đơn vị sản xuất trên địa bàn từ 11.400 đồng/m3 lên 12.100 đồng/m3.

Mới đây nhất, tỉnh Bình Phước cũng đã ban hành quyết định tăng giá nước từ tháng 6/2022. Theo đó, giá nước cho các tổ chức, cá nhân sản xuất vật chất nâng từ 11.619 đồng/m3 lên 14.233 đồng/m3, tức tăng 22,5% so với giá nước hiện tại. Hơn nữa, mức giá này sẽ tiếp tục tăng bình quân 6%/năm theo lộ trình cho đến năm 2026.

Không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Phước, nhiều địa phương khác cũng đang xem xét tăng giá nước sạch cho sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp.

Việc này đã khiến cộng đồng doanh nghiệp ngành giấy “đứng ngồi không yên”.

Hiện, ngành giấy có hơn 300 doanh nghiệp, trong đó khoảng 20 doanh nghiệp quy mô sản xuất từ 100 nghìn tấn/năm, còn lại là vừa và nhỏ; nhiều dự án đầu tư công suất lớn đang hoạt động (công suất mỗi dự án khoảng 400.000 – 500.000 tấn/năm); nhiều doanh nghiệp đang dự kiến đầu tư dự án với công suất trên 1.000.000 tấn giấy bao bì/năm. Sản xuất của ngành giấy đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP cả nước.

Ngành giấy Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 11% (giai đoạn 2000-2007) và 16% (giai đoạn 2007-2017), dự kiến trong 5-10 năm tới là 14-18%/năm.

Bình quân, một nhà máy giấy sử dụng 10.000 m3 nước/ngày-đêm, là một trong những ngành có mức sử dụng và tiêu dùng nước sạch luôn ở mức cao so với các ngành sản xuất khác. Dù các doanh nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng hệ thống tuần hoàn và tiết kiệm sử dụng nước, chi phí nước luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Mỗi nhà máy giấy sử dụng bình quân 10.000 m3 nước/ngày-đêm
Mỗi nhà máy giấy sử dụng bình quân 10.000 m3 nước/ngày-đêm

Ngày 2/6/2022, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã có công văn gửi UBND tỉnh Bình Phước và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước về kiến nghị của một số doanh nghiệp sản xuất giấy trên địa bàn tỉnh liên quan đến quy định giá nước sạch.

Theo Hiệp hội, trong hai năm 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây hậu quả hết sức nặng nề cho nền kinh tế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu khan hiếm, giá cả đầu vào tăng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí cước vận tải tăng cao, trong khi sức mua của nền kinh tế sụt giảm.

Các doanh nghiệp phải phòng chống dịch, vừa phải duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần ổn định an sinh xã hội, nên đã gặp rất nhiều khó khăn.

Đến nay, dù nền kinh tế đang dần hồi phục, nhưng bối cảnh còn đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp: xung đột giữa Nga và Ukraine, chính sách Zero-Covid tại Trung Quốc, chi phí nguyên nhiên vật liệu, cước vận tải tăng cao, tín dụng ngân hàng hạn chế,…

Do đó, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho rằng, mức tăng giá nước tại Bình Phước là “quá cao và quá nhanh trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải cố gắng vật lộn để duy trì và phục hồi sản xuất, trong khi vẫn phải đối mặt với những khó khăn thách thức”.

Chia sẻ với quan điểm này, đại diện Tổ Điều hành thị trường trong nước cho biết, hiện nay, nguyên liệu đầu vào và nhiên liệu cho ngành sản xuất giấy thời gian qua đã tăng rất cao, lên đến 18-60% so với cùng kỳ, đồng thời do tác động của giá xăng dầu tăng, chiến sự Nga – Ukraine nên giá vận chuyển cũng tăng. Dù vậy, để góp phần giữ bình ổn thị trường trong nước, ngành Giấy vẫn chưa tăng tương ứng về giá bán thành phẩm trong nước.

Ở góc độ vĩ mô, việc này đã phần nào giúp kìm mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước, kiểm soát lạm phát để hướng đến mục tiêu dưới 4% mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra. Báo cáo cho thấy, CPI tháng 6/2022 đã tăng 0,69% so với tháng trước; tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% so với quý II/2021. Bình quân 6 tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,25%.

Tuy nhiên, với đặc thù ngành Giấy, việc tăng giá nước sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, dẫn đến việc tăng giá thành sản phẩm, góp phần làm tăng chỉ số CPI và áp lực lên kiểm soát lạm phát.

“Tính toán sơ bộ, với mức tăng như vậy, chi phí tiền nước của một nhà máy sẽ tăng khoảng 1 tỷ đồng/tháng, cả năm gia tăng thêm 12 tỷ đồng, ảnh hưởng rất nhiều đến giá bán sản phẩm giấy đầu ra”, đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho hay.

Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch cũng như góp phần kìm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam kiến nghị UBND tỉnh Bình Phước nghiên cứu, xem xét lại mức tăng giá nước sinh hoạt, áp dụng mức tăng bình quân 3%/năm thay vì 6%/năm và lộ trình tăng giá kéo dài đến năm 2030 thay vì đến năm 2026. Đây cũng là đề xuất của Tổ Điều hành thị trường trong nước trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 6/2022.